image banner
CÁC MÔ HÌNH DÂN VẬN KHÉO VỀ PCCC TRÊN ĐỊA BÀN PHƯỜNG ĐÔNG KHÊ

CÁC MÔ HÌNH DÂN VẬN KHÉO VỀ PCCC TRÊN ĐỊA BÀN PHƯỜNG ĐÔNG KHÊ Tháng 7 năm 2022, một vụ cháy lớn xảy ra tại vũ trường MDM diện tích trên 400m2 nằm trên lô 26 khu đô thị ngã 5 sân bay Cát Bi, thuộc phường Đông Khê, quận Ngô Quyền, thành phố Hải Phòng. Vụ cháy không xảy ra thiệt hại về người, nhưng thiệt hại rất lớn về tài sản. Từ một vụ cháy lớn xảy ra đã đặt ra một yêu cầu phải thực hiện tốt công tác phòng cháy chữa cháy trên địa bàn. Trước đây phần lớn người dân còn chủ quan, lơ là khoán trách nhiệm cho lực lượng chức năng trong công tác phòng cháy chữa cháy, khi xảy ra cháy chưa có phương tiện và kỹ năng để xử lý tại chỗ, không khống chế được đám cháy để xảy ra cháy lớn, gây thiệt hại về người và tài sản. Xác định nhiệm vụ là cần tổ chức tuyên truyền, phổ biến Luật Phòng cháy và chữa cháy, cảnh báo tình hình cháy nổ để người dân nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm trong việc tích cực tham gia hưởng ứng các hoạt động phòng cháy và chữa cháy, trên quan điểm: Người dân là trung tâm, là chủ thể, đặt an toàn, tính mạng người dân là trên hết; xác định phương châm “04 tại chỗ”: Lực lượng ở trong dân - phương tiện ở trong dân - hậu cần ở trong dân - chỉ huy ở trong dân; khi có cháy phải tranh thủ “thời điểm vàng” 05 phút từ khi vụ cháy xảy ra, kịp thời huy động tối đa các lực lượng tại chỗ và nhân dân tham gia chữa cháy. Từ đầu năm 2023, Đảng uỷ phường đã ban hành nghị quyết và chỉ đạo các tổ chức, đơn vị xây dựng các mô hình dân vận khéo nhằm tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia thực hiện tốt các quy định về phòng cháy và chữa cháy. Bám sát chỉ đạo của Đảng uỷ phường, UBND và Hội CCB phường đã phối hợp đăng kí xây dựng mô hình “Chợ an toàn phòng cháy chữa cháy” đối với chợ Đông Khê. Chợ Đông Khê có diện tích rộng 1.550m2 bằng khung sắt, mái lợp tôn, được bố trí gần 100 điểm kinh doanh theo các ngành hàng kinh doanh riêng biệt, có lối đi lại rộng rãi cho nhân dân mua, bán, trao đổi hàng hóa. Chợ có 16 ki-ốt, mặt ngõ phụ 33/275 Đông Khê. Các ki-ốt được xây riêng biệt bằng gạch, mái lợp tôn kẽm, mỗi ki-ốt diện tích là 15m2, có cửa chính quay ra ngõ phụ 33 và cửa thoát hiểm phía sau quay vào chợ, cùng với lối thoát hiểm chung của cả chợ rộng 1,2m. Chợ có 2 cửa chính ra ngõ phụ 33 rộng 5m và 2,5m. Ngõ phụ 33 rộng 5m rất thuận lợi cho việc đi lại của nhân dân và xe cứu hỏa khi có cháy xảy ra. Sau khi khảo sát thực trạng tại chợ, để xây dựng mô hình “Chợ an toàn phòng cháy chữa cháy” cần tập trung thực hiện 4 nội dung: Thứ nhất, tổ chức tuyên truyền, vận động các hộ kinh doanh trong chợ và các đơn vị, doanh nghiệp về công tác phòng cháy, chữa cháy tại chợ, đảm bảo phương châm 4 tại chỗ, ứng phó kịp thời khi xảy ra sự cố cháy nổ. Thứ hai, thành lập Ban quản lý mô hình, xây dựng quy chế hoạt động, phân công nhiệm vụ các thành viên trong Ban. Thứ ba, vận động xã hội hóa trang bị cơ sở vật chất đảm bảo công tác phòng cháy, chữa cháy tại chỗ. Thứ tư, định kỳ kiểm tra, kiểm định các phương tiện chữa cháy đã được trang bị; thường xuyên tổ chức kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc công tác phòng cháy chữa cháy trong chợ. Bước đầu triển khai mô hình gặp rất nhiều khó khăn do nhận thức chưa đầy đủ và tính cấp bách của công tác phòng cháy chữa cháy, hộ kinh doanh chưa hiểu hết được việc phòng hơn chống, mặt khác các hộ kinh doanh thời gian qua thu nhập giảm sút nên việc đầu tư đóng góp kinh phí khá lớn, các hộ chưa đảm bảo ngay được và đưa ra nhiều ý kiến trái chiều nhau. Ngày 24/6/2023, Ủy ban MTTQ phường đã tổ chức buổi đối thoại giữa các hộ kinh doanh chợ Đông Khê với người đứng đầu cấp ủy, chính quyền phường. Tại buổi đối thoại, lãnh đạo Đảng ủy, UBND phường đã trực tiếp lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của các hộ kinh doanh và đã tuyên truyền, giải thích những chế độ chính sách và những quy định về đảm bảo phòng cháy chữa cháy tại các chợ dân sinh. Đặc biệt là các hộ kinh doanh trong chợ có sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt, các hộ kinh doanh tại các ki-ốt phòng kín riêng biệt. Cũng tại hội nghị đối thoại, lãnh đạo địa phương đã tạo điều kiện gợi mở thuận lợi cho các hộ kinh doanh và đi đến tiếng nói chung trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt mô hình. Thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”. Sau một tháng triển khai mô hình đã hoàn thành và ra mắt nhân dân và hộ kinh doanh trong chợ. Cơ sở vật chất được bổ sung để thực hiện mô hình gồm có: Hệ thống báo cháy tự động của 16 ki-ốt gồm: 16 cảm ứng báo khói, mỗi ki-ốt 01 cảm ứng; 3 hộp chuông, đèn báo cháy và nút ấn khẩn cấp; 1 hộp trung tâm xử lý báo cháy tự động, tất cả các trang thiết bị được sản xuất tại Đài Loan và được lắp đặt kết nối với trung tâm của chợ, đã chạy thử và nghiệm thu, bàn giao hoạt động tốt; 25 bình bột cứu hỏa được trang bị cho 16 ki-ốt mỗi ki-ốt 1 bình và 9 hộ kinh doanh trong chợ có sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt mỗi hộ 1 bình; 1 thang sắt dài 4,5m và 2 câu liêm sắt, 4 bình cứu hỏa cũ đã nạp đủ áp suất đảm bảo các thông số kỹ thuật theo quy định. Tổng kinh phí vận động để xây dựng mô hình là 50.127.000đ, mỗi ki-ốt đóng góp 2.900.000đ, mỗi hộ kinh doanh trong chợ sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt đóng góp 260.000đ, mua sắm thêm trang thiết bị phòng cháy chung của chợ 1.500.000đ. Đến nay, cơ bản đáp ứng được công tác đảm bảo phòng cháy chữa cháy tại chợ Đông Khê trong tình hình hiện nay. Bên cạnh việc xây dựng mô hình “Chợ an toàn phòng cháy chữa cháy”, UBND phường đã chỉ đạo công an phường phối hợp với các tổ dân phố xây dựng mô hình “Điểm chữa cháy công cộng” và mô hình “Tổ liên gia an toàn phòng cháy chữa cháy”. Đối với mô hình “Tổ liên gia an toàn phòng cháy chữa cháy” cần vận động nhân dân thành lập tổ liên gia gồm từ 05 đến 15 hộ gia đình liền kề nhau trở lên tại các tuyến đường, ngõ phố để hỗ trợ, phối hợp trong công tác bảo đảm toàn phòng cháy, chữa cháy và thoát nạn. Lắp đặt các chuông báo cháy liên kết tín hiệu với nhau, trong đó mỗi nhà lắp đặt chuông báo cháy, nút ấn báo cháy để kịp thời báo cháy cho hộ liền kề khi có cháy xảy ra. Mỗi hộ gia đình trang bị tối thiểu 01 bình chữa cháy xách tay và một trong các dụng cụ phá dỡ thông thường phù hợp (búa, rìu cứu hộ, xà beng, kìm cộng lực). Khi xảy ra tình huống cháy, nổ, thành viên của hộ gia đình ấn chuông báo cháy để các hộ gia đình khác trong Tổ liên gia biết có xảy ra sự cố cháy và mang bình chữa cháy, phương tiện phá dỡ thông thường, sử dụng các phương tiện chữa cháy khác tại Tổ liên gia đến hỗ trợ chữa cháy, cứu người bị nạn, di chuyển tài sản. Tuy nhiên, việc vận động thực hiện mô hình này gặp một số khó khăn. Khó khăn lớn nhất là kinh phí thực hiện mô hình “Tổ liên gia an toàn về phòng cháy chữa cháy” khá cao, trên 1 triệu đồng/hộ. Mặt khác, người dân vẫn chưa nhận thức được mục đích, ý nghĩa của mô hình nên chưa nhiệt tình tham gia; thậm chí một bộ phận người dân chưa đồng tình, ủng hộ mô hình này với lý do không khả thi, không thiết thực. Việc lắp đặt chuông, đèn, hệ thống đường dây điện ảnh hưởng đến mỹ quan mặt tiền nhà nên nhiều hộ dân không muốn tham gia. Người dân còn bày tỏ sự băn khoăn về hiệu quả, chất lượng của các thiết bị có hoạt động đáp ứng yêu cầu hay không. Đối với mô hình “Điểm chữa cháy công cộng” cũng gặp khó khăn khi triển khai cần sự phối hợp của nhiều tổ dân phố để lắp các điểm chữa cháy ở ngõ chung giữa 2-3 tổ. Ngoài ra còn các vấn đề về địa điểm đặt hộp chữa cháy, việc bảo vệ an toàn cho hộp chữa cháy… Quá trình vận động nhân dân phải huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị ở cơ sở cùng thực hiện, trong đó chú trọng phát huy vai trò của Cảnh sát khu vực và Tổ trưởng Tổ dân phố. Bởi vì chỉ có Tổ trưởng Tổ dân phố, Cảnh sát khu vực mới hiểu rõ hoàn cảnh, điều kiện kinh tế của mỗi hộ gia đình nên mới tìm được cách vận động phù hợp nhất. Cảnh sát khu vực phối hợp cùng tổ trưởng tổ dân phố khảo sát điều kiện của từng tổ, từng hộ gia đình, lựa chọn các hộ gia đình có điều kiện tương thích về vị trí địa lý, công năng sử dụng để thành lập các Tổ liên gia. Tuyên truyền, giải thích, mời chuyên gia về hướng dẫn các hộ gia đình. Nhân dân sau khi được xem các tài liệu hình ảnh, video về hoạt động của Tổ liên gia đã rất phấn khởi bắt tay vào thực hiện ngay, có người dân còn cho rằng hoạt động của Tổ liên gia không chỉ giới hạn ở việc phòng cháy chữa cháy mà còn có tác dụng khi một hộ gia đình gặp sự cố bất ngờ như có trộm hoặc ốm đau đột xuất cần sự hỗ trợ của hộ gia đình liền kề. Được sự đồng thuận của nhân dân, mô hình“Tổ liên gia an toàn phòng cháy chữa cháy” đã thành lập bước đầu với 3 tổ liên gia tại tổ dân phố số 13, 10 mới và liên tổ 8 mới - 10 mới, kinh phí trên 15.000.000 đồng. Hệ thống báo cháy, nút ấn được vận hành đảm bảo theo yêu cầu, các thành viên tham gia mô hình rất yên tâm, phấn khởi. Song song với việc thực hiện mô hình Tổ liên gia, phường cũng triển khai mô hình “Điểm chữa cháy công cộng”. Qua khảo sát trên địa bàn phường có nhiều ngõ, ngách hẹp nhưng kéo dài trên 50m, khi xảy ra cháy xe chữa cháy không thể tiếp cận được đám cháy. 14/23 tổ dân phố có 20 điểm cần bố trí các điểm chữa cháy thuận lợi cho việc sử dụng các phương tiện để chữa cháy, cứu nạn cứu hộ. Số lượng, loại phương tiện tối thiểu tại mỗi điểm có: 02 bình bột chữa cháy, xà beng, kìm cộng lực, búa phá dỡ và tiêu lệnh phòng cháy chữa cháy. Căn cứ vào thực tế và nhiệm vụ cần thực hiện, phường tổ chức triển khai nội dung mô hình và lấy ý kiến tham gia của lực lượng cán bộ cơ sở, đặc biệt là Tổ trưởng tổ dân phố. Được sự nhất trí, ủng hộ của cán bộ cơ sở, các bác đã phân công công việc đến từng hộ gia đình tuyên truyền vận động nhân dân đóng góp kinh phí lắp đặt đồng loạt các hộp chữa cháy công cộng. Hơn một tháng từ khi triển khai, mô hình “Điểm chữa cháy công cộng” được góp sức của nhân dân đã hoàn thành 20 điểm chữa cháy công cộng trong các ngõ, ngách của 14 tổ dân phố, tổng số kinh phí huy động là 25.400.000 đồng. Với cách dân vận khéo và sáng tạo trong tổ chức thực hiện, cùng với sự quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân phường đã cùng nhau xây dựng thành công 2 mô hình phòng cháy chữa cháy huy động sức dân trải đều toàn địa bàn đồng thời đảm bảo chất lượng theo yêu cầu đặt ra. Qua công tác dân vận, tham gia tổ liên gia an toàn phòng cháy chữa cháy, ý thức chủ động của người dân không chỉ là tự trang bị các phương tiện chữa cháy tại chỗ như bình cứu hỏa, chuông báo cháy, tự tháo dỡ “chuồng cọp”, mở lối thoát hiểm thứ hai... mà còn nhân lên trách nhiệm, tinh thần đoàn kết cùng chung tay phòng, chống “giặc lửa”, bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn dân cư, góp phần xây dựng thành phố Hải Phòng và phường Đông Khê an toàn, văn minh, hiện đại.

TIN MỚI NHẤT
Thống kê truy cập
  • Đang online: 0
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 0
  • Tất cả: 0